Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

GIÁO XỨ TÔI
GIÁO XỨ THỦ ĐỨC
BAN THỰC HIỆN KỶ YẾU GX
            Thực hiện đúng chương trình đã dịnh, lúc 9g30 thứ Bảy 24.03.2018 Ban Thực hiện Kỷ yếu Gx đã đến Giáo họ Mân Côi, thăm viếng và trao đổi với đại diện 07 hộ gia đình khuyết tật và khó khăn.
             Đại diện có: Anh Giuse Lê Nhân, cụt cả 2 chân trong thời kỳ chiến tranh, về tá túc tại đây khoảng năm 2000 – Anh Phêrô Nguyễn Quí, mù cả 2 mắt từ nhỏ, 1983 mới là tín hữu đạo Công Giáo, về tạm trú nơi đây năm 2001.
              Sau khi trao đổi công việc với Ban Thực hiện Kỷ yếu Gx, chúng tôi được biết 07 hộ gia đình nầy là những người khuyết tật, trước năm 2011 rất khó khăn về cuộc sống, nhất là về nhà ở .
               Cuối năm 2011,được sự quan tâm ân cần và giúp đở của Cha Chánh xứ Gx Thủ Đức Giacôbê, Ban Caritas Gx, cùng thiện chí của quí ông bà và anh chị em trong Hội đồng Mục vụ Gx, các đoàn thể, cộng đoàn dân Chúa, quí ân nhân trong, ngoài Gx. 07 nền nhà hiện hữu được nâng cao, tường mái được xây dựng lên, tương đối được coi là tổ ấm của 07 hộ gia đình khuyết tật.
                Hôm nay, sau 7 năm chúng tôi lại có dịp đến đây thăm viếng và trò chuyện với các gia đình. Nhìn vẻ mặt tươi vui của các vị đại diện, của BĐH Giáo họ Mân Côi, chúng tôi được biết cuộc sống của các gia đình trên không còn quá khó khăn, không còn bửa đói bửa no, không còn lo nhà dột nát, nhất là không còn lo ngập nước khi trời đổ mưa nữa, Cuộc sống vật chất hằng ngày đã được cải thiện nhiều. Các vị đại diện đã nói: Tất cả là nhờ nơi Hồng Ân Thiên Chúa. Chúng tôi Tin và Tín Thác nơi Chúa, nên được Chúa ban cho những gì chúng tôi còn quá thiếu thốn.
               Cùng đồng hành với chúng tôi hôm nay tại phòng khách nhà riêng của Phó GH Mân Côi còn có chị Maria Nguyễn thị Kim, thành viên Caritas Gx.
                  Cuối buổi tiếp chúng tôi được đến thăm 07 căn phố của các gia đình, tuy nhỏ, nhưng khang trang, các phương tiện sinh nhai hằng ngày phải để ngoài, như xe 3 bánh đạp bằng tay, trước ghi đông là bàn bán vé số; xe gắn máy cũng 3 bánh thắng tay, đây là phương tiện sinh nhai cũng là phương tiện đưa cả gia đình đến với Chúa trong Thánh Lễ Chúa nhật tại Nguyện đường Cây Dương. Cũng tại đây, cuối dãy nhà có một bàn thờ Đức Mẹ trên cao, phía dưới là bộ bàn tròn với 5-6 ghế đủ loại, theo BĐH giáo họ, đây là nơi các gia đình tụ họp lại sáng sớm và chiều tối đọc kinh, cầu nguyện, cầu xin với Đức Mẹ… Cũng có thể vài ba người đàm đạo, trao đổi mọi chuyện qua tách cà phê, chén trà…thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa các gia đình.
               Bây giờ là 10g45, chúng tôi phải chia tay với các gia đình, chúc các gia đình luôn hưởng được nhiều ơn lành của Chúa, và Hồng ân Thiên Chúa luôn tuôn đổ bảo bọc nơi các gia đình. Chúng tôi cũng không quên trao cho các gia đình qua BĐH giáo họ món quà nhỏ, của anh em trong đoàn, gọi là cho vui…









Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

28.02.2018- HỌP TÂN NIÊN

BAN BIÊN SOẠN KỶ YẾU GIÁO XỨ THỦ ĐỨC
HỌP TÂN NIÊN
      Ban biên soạn Kỷ yếu Giáo xứ Thủ Đức đã mở phiên họp Tân Niên lúc 19g30 thứ Tư, 28.02.2018 tại Văn phòng nhà xứ, Giáo xứ Thủ Đức.
      Chủ tọa phiên họp là cha chánh xứ Giacôbê.
      Sau kinh sáng soi, mở đầu phiên họp, đã chúc Tết cha và chúc Tết nhau, cha có lì xì cho các thành viên tham dự.
      Sau đó, phiên họp vào nội dung chính:
         - Rà soát lại công việc đã làm
         - Căn cứ vào Bản Tiến độ công việc đã đưa ra công việc sắp tới:
              * Đi sâu vào nội dung, tài liệu cốt lỏi của 21 hội đoàn trong giáo xứ.
              * Tấn công về khâu Ảnh, cùng nhau sắp xếp lại kho ảnh theo từng thời kỳ hình thành và phát triển. . .
              * Khởi động ngay khâu Thiết kế Kỷ yếu. . .
         Phiên họp đầu năm khép lại lúc 21g, sau khi đọc kinh cám ơn . Tất cả thành viên sẽ gặp nhau trong phiên họp thường kỳ 19g30 thứ Tư, 14.03.2018.



Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018

20.01.2018- BAN BIÊN TẬP KỶ YẾU GIÁO XỨ

BAN BIÊN SOẠN KỶ YẾU GIÁO XỨ
          Theo chương trình, vào sáng nay thứ Bảy 20.01.2018 lúc 9g30, tại phòng khách nhà xứ giáo xứ Thủ Đức, Ban biên tập kỷ yếu Giáo xứ đã gặp gở, trao đổi với các ông:
     - Ông Phaolô Lê văn Nhâm, sinh 1932 tại Ninh Bình. Sinh sống tại Thủ Đức từ những năm 1955, là cựu trùm từ 1975 ( thời cha Liêu ).
     - Ông Phêrô Trần văn Lịch ( lần 2 )
     - Ông Gioan- Baotixita Phạm văn Lại ( là cựu trùm thời Cha Liêu, hôm nay vỉ lý do sức khỏe không đến dự được).
     Cùng tham dự với chúng tôi có cha chánh xứ Giacôbê và đại diện Ban Thường vụ đương nhiệm.
          Qua trao đổi với các ông, chúng tôi nắm thêm được nhiều điều cần biết cho Biên tập kỷ yếu Giáo xứ. Nhất là Bác Nhâm đã cho chúng tôi biết về tổ chức, các ông trùm, giáo dân. . . trong các khu giáo ( giáo họ ngày nay ) vào thời cha Liêu. . .
         Ông Lịch cho chúng tôi biết thêm về nét đẹp của Giáo xứ qua sự yên nghĩ của cha Cố Phêrô Long (1998) tại Gx Thủ Đức.
       Phiên họp đã khép lại khi đồng hồ nhà xứ chỉ đúng 12g00.


Thứ Ba, 16 tháng 1, 2018

BAN BIÊN SOẠN KỶ YẾU GIÁO XỨ
             Sáng nay, thứ Bảy 02.12.2017,theo chương trình đã định, đại diện Ban biên tập Kỷ yếu Giáo xứ đã đến tư gia tiếp xúc với Ông: Raymundo Dương thành Ngôn ( bác Bảy Ngôn) , 95 tuổi, sinh sống tại Thủ Đức từ những năm 1960.
               Là một trong những Quới chức của Giáo Xứ TĐ, còn rất khỏe mạnh và minh mẫn.
                Trong câu chuyện bên lề, ông chia sẻ về bí quyết sống thọ, khỏe mạnh và minh mẫn của ông là không ăn thịt, sáng lót dạ là 1 ly 150 ml bột ngủ cốc. Tối trước khi đi ngủ một giờ là một cốc sữa và 2 trái chuối cau, tác dụng chính của 2 trái chuối là sẻ đem đến cho người cao tuổi giấc ngủ nhanh và sâu. Ông chia sẽ thêm: nhất là tinh thần mình luôn vui tươi.
                  Sau hơn một giờ làm việc, Chỉ vào đôi cánh tay trổ đầy đồi mồi của ông, chúng tôi kính chúc ông sống đủ hai sáu mươi, trong ơn lành của Chúa, nghĩa là thọ 120tuổi.
 


Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

LƯỢC SỬ GIÁO XỨ THỦ ĐỨC,

     Được sự chấp thuận và cho phép của Cha Sở Giáo xứ Thủ Đức, Linh mục Giacôbê Mai phát Đạt;             Sao chép : LƯỢC SỬ GIÁO XỨ THỦ ĐỨC:
Theo truyền khẩu của ông cha kể lại, cho biết, giáo dân vùng phụ cận Thủ Đức rất là sùng đạo. Lúc chưa có nhà thờ, khi họ đạo chưa thành lập, mỗi lần cứ đến ngày Chúa Nhật, họ kéo nhau lên tận Lái Thiêu để xem lễ. Đường đi trắc trở, lại thêm thú rừng dữ như cọp, beo, rắn, rít…, nhưng họ vẫn can đảm băng qua các khu xóm để tránh làm mồi cho thú dữ. Giữ đạo thời đó thật là khó khăn, gian nan, nguy hiểm. Trẻ em sinh ra cũng không được chính bàn tay của linh mục rửa tội, mà phải nhờ những ông biện, ông câu. Đó là trường hợp của nhiều người: như bà Maria Quí, ông Tôma Hạnh, ông Micae Chử. Những người như thế, mãi về sau, khi có linh mục đến, thì chính linh mục bổ túc các nghi thức của phép bí tích “rửa tội”. Trước tình huống đó, giáo dân chung sức cất lên một Thánh Đường đơn sơ bằng cây, lợp lá. Lạ một điều là Thánh Đường đầu tiên lại nằm tại Phong Phú, cách thị trấn Thủ Đức hiện nay độ chừng 3 cây số. Những di tích còn để lại chứng minh: có một nền nhà thờ cũ, cách đây chừng bốn mươi năm, trên nền đó có cất một ngôi trường học để dạy các em xóm Phong Phú, do các dì Thủ Thiêm đảm nhiệm. Một di tích khác là có một thửa đất được gọi là Gò Nhà Thờ. Cả hai di tích  lnày, ngày nay không còn thấy nữa. Thánh Đường đã có, nhưng linh mục thì chưa, không biết liên lạc bằng cách nào,thỉnh thoảng cha Boutier, lúc đó là cha sở họ Bà Rịa, về Phong Phú ban phép bí tích cho giáo dân. Theo sổ rửa tội thì lần đầu tiên, cha Boutier đã ban nghi thức bổ túc bí tích “rửa tội” là ngày 04/08/1879 cho bà Maria Quí. Do đó có thể nói rằng nhà thờ đầu tiên được cất lên là năm 1879. Cũng chính trong năm này, họ Phong Phú Thủ Đức được chính thức thành lập. Hồi đó là thời Đức Cha Isidore Colombert, cha sở cũng chưa có, mãi đến năm 1880, cha Boutier được bổ nhiệm về làm cha sở họ Thủ Đức, hay đúng hơn là họ Phong Phú. Từ đó trở đi, họ đạo bắt đầu phát triển, số giáo dân ngày càng đông, khỏi phải lên tận Lái Thiêu để xem lễ, lại nữa, vùng Thủ Đức được khai phá (vì trước đó phần lớn là rừng), dân cư cũng ngày càng đông đúc, nên cha sở quyết định dời nhà thờ về Thủ Đức khoảng năm 1889 trên thửa đất như hiện nay. Nói về lịch sử của Thánh Đường hiện nay: được xây và tu bổ qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn đầu là phần giữa. Mãi về sau, khi cha Phêrô Thà về làm phó cho cha Sắc (Cransac), mới làm thêm hai cánh hai bên, từ hai cửa hông trở lên, vào khoảng năm 1931. Nhà thờ khi đó có hình Thánh Giá. Đến khoảng năm 1935, cha Gioan Baotixita Doan về làm phó cho cha Sắc (Cransac). Nhờ tài ngoại giao, Người tìm vật liệu để kéo dài hai cánh cửa hai  bên xuống tận lầu chuông, như thấy hiện nay. Ngoài ra, Người còn xuống tận Bến Tre để đem vỏ dừa (ở Bến Tre có rất nhiều dừa), về làm lại trần (plafond) cho phần giữa được chu đáo. Như vậy thì nhà thờ Thủ Đức hiện nay đã được sửa soạn tu bổ. Cha Doan đang hăng say trong công việc thì bất ngờ được lệnh Đức Cha đổi Người về Lục Tỉnh. Cha Doan đổi đi, cha Sắc, già yếu phải về Pháp hưu trí, và qua đời tại Pháp. Năm 1938, cha Anrê Lê Văn Quyền, được Đức Cha gọi từ An Hiệp về làm cha sở Thủ Đức, là vì khi đó chia địa phận Vĩnh Long, Người không muốn ở lại, vì sợ quyền cao chức trọng, bởi Đức Cha Vĩnh Long có ý định cho Người làm bề trên địa phận. Khi về Thủ Đức, cha Anrê Quyền lo sơn phết xung quanh nhà thờ, vì khi cha Doan ra đi, chưa làm xong việc này. Thế là Thánh Đường của giáo xứ Thủ Đức được hoàn thành. (Tài liệu do linh mục Aloisio Lê văn Liêu viết).
       Ghi thêm : Thánh đường giáo xứ Thủ Đức Đức được trùng tu năm 2013 đưới thời cha Giacôbê Mai Phát Đạt làm chánh xứ. Điểm nổi bật là Cung thánh, bàn thờ, bục giảng được làm mới; toàn bộ nhà thờ được sơn lại bên trong và bên ngoài; mái ngói, các cửa được gia cố và làm mới; nền nhà thờ được lót gạch mới; hệ thống âm thanh - ánh sáng được nâng cấp và trang bị thêm...nhưng vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ của thánh đường.